Về chúng tôi

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ 16 khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi.

Người có công đầu tiên trong việc làm sống lại chiếc đèn lồng là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông là người đầu tiên phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng, đó là chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã được người Nhật để ý đến, và chính ông là nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên của Hội An được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn.

Ở Hội An hiện nay có tới 32 cơ sở làm và bán đèn lồng , đèn lồng Hội An xuất khẩu ra các nước châu Âu, Châu Mỹ.

I. Sự đa dạng về sản phẩm đèn lồng Hội An:

Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An – di sản văn hóa thế giới.

Hội An có vô số các cửa hàng bày bán đèn lồng làm kỷ niệm. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Đó có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh dịu ngọt.

Đặc biệt nhất là những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ trưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự.

Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.

Sản phẩm “đèn lồng Hội An” đã được Chi cục tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng Quảng Nam công bố tiêu chuẩn với 9 kiểu dáng gồm các đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù…Ngoải ra còn có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu.

II. Quy trình làm đèn lồng:

Quy trình làm đèn lồng được chia làm 2 công đoạn chính : làm khung tre và bọc vải.

Tre trước tiên phải được ngâm kĩ 10 ngày bằng nước muối để tránh mối mọt, sau đó phơi khô, được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu sau đó được kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng.

Vải được bọc đèn thường là vải xoa hoặc vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai để khi căng ra không bị rách. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi xong 2 chiếc đèn lồng cộng với 3 công vẽ, trang trí.

Lồng đèn Hội An ngày nay được các nghệ nhân nghiên cứu và sản xuất ra những loại lồng đèn có thể xếp gọn, nhỏ để mang đi xa. Theo lời người dân Hội An, người đầu tiên nghiên cứu ra chiếc đèn lồng có thể xếp được đó là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba.